Biến thể mới Mu của virus SARS-CoV-2 có gì mà WHO “lo ngại”?

Những ngày qua, khi tin tức về biến thể Delta vừa lắng xuống thì thế giới lại xôn xao về sự xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Mu. Vậy biến thể mới Mu của virus SARS-CoV-2 có gì mà WHO “lo ngại”, hãy cùng Top Tây Ninh tìm hiểu nhé!

Biến thể Mu nằm trong danh sách “đáng chú ý” của WHO

Mu là tên theo hệ thống chữ cái Hy Lạp mà WHO đặt cho biến thể virus SARS-CoV-2 trước đó được gọi là B.1.621 trong hệ thống danh pháp Pango. Nó sở hữu tổng số 21 dạng đột biến so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Ngày 31-8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã đưa biến thể Mu vào danh sách “các biến thể đáng chú ý” bởi lo ngại biến thể này có thể làm suy yếu mức kháng thể mà cơ thể người đã có từ việc tiêm vaccine hay đã nhiễm COVID-19 trước đây. Thông tin này lập tức gây xôn xao trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam bởi cho đến hiện tại vaccine được xem là giải pháp hiệu quả duy nhất để phòng, chống virus SARS-CoV-2.

Theo WHO, Mu nằm trong danh sách “các biến thể đáng chú ý” bởi nó đã vượt qua một số tiêu chí mà WHO đặt ra như:

  1. Có những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc được biết sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm của virus như: khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, trốn tránh miễn dịch, chẩn đoán hoặc biện pháp điều trị
  2. Gây ra sự lây truyền cộng đồng đáng kể hoặc sự bùng phát của nhiều cụm COVID-19, ở nhiều quốc gia với tỷ lệ lưu hành tương đối ngày càng tăng cùng với số ca mắc gia tăng theo thời gian
  3. Có thể có các tác động dịch tễ học rõ ràng khác để gợi ý một nguy cơ mới đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia trên thế giới

Biến thể Mu – được biết đến với tên gọi B.1.621 được phát hiện đầu tiên ở Colombia hồi tháng 1 và là nguyên nhân đằng sau đợt bùng dịch chết chóc nhất ở nước này, sau đó nó xuất hiện ở Ecuador. Từ đó, các ca nhiễm và ổ dịch biến thể Mu xuất hiện nhiều và hiện đã lây ra hơn 40 nước ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á (Anh, Bỉ, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật, đặc khu Hong Kong…).

Hiện số ca nhiễm biến thể Mu chiếm khoảng 0,1% số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu. Tuy nhiên, biến thể này chiếm tới 39% số ca nhiễm mới ở Colombia và 13% số ca nhiễm mới ở Ecuador, hai nước mà Mu xuất hiện ban đầu. Hiện thế giới ghi nhận hơn 4.600 ca nhiễm biến thể Mu, tuy nhiên gần 2.000 ca trong đó là ở Mỹ. Con số này có thể chưa chính xác vì nhiều nước đang bị dịch nặng do biến thể Delta có thể chưa chú ý đúng mức đến biến thể Mu.

Tại Mỹ, hiện biến thể Mu được Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa vào danh sách “các biến thể đáng chú ý” nhưng chưa liệt vào danh sách “các biến thể đáng lo ngại” vốn được định nghĩa “tác động đáng kể đến mức độ lây truyền, độ nghiêm trọng của bệnh và đến khả năng miễn dịch”. Trao đổi với tờ Health, chuyên gia bệnh truyền nhiễm William Schaffner tại Trường Y ĐH Vanderbilt (Mỹ) nói: “Các nhà nghiên cứu vẫn đang đánh giá khả năng lây lan của nó”.

Bỉ cũng đã xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể Mu và nghiêm trọng là đã có bảy người lớn tuổi chết sau khi nhiễm biến thể này, theo trang tin địa phương rtbf.

Trong 32 ca nhiễm biến thể Mu ở Anh được ghi nhận đến thời điểm này thì chủ yếu ở độ tuổi 20 và trong đó có nhiều người đã được tiêm một hoặc hai liều vaccine, báo Guardian dẫn số liệu từ Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE). Từ tháng 7, PHE đã đưa Mu vào danh sách các biến thể phải điều tra, theo dõi cách thức hoạt động.

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm ở thủ đô Bogotá – Colombia. Ảnh: EPA

Nguy cơ kháng miễn dịch?

Cho tới thời điểm này, chúng ta chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu biến thể Mu có thể tránh được sự bảo vệ của vắc-xin COVID-19 hay không.

Thời điểm này thì Mu chưa tới mức báo động như các biến thể Delta hay Alpha nhưng các chuyên gia vẫn rất thận trọng và lo ngại. Hiện các nhà khoa học, các quan chức y tế đặc biệt quan tâm tìm hiểu về độc lực và độ lây lan của biến thể Mu, liệu có nghiêm trọng hơn biến thể Delta đang hoành hành khắp thế giới hay không. Hiện nay cũng có rất ít nghiên cứu xem xét biến thể Mu. Vì các nghiên cứu về biến thể mới này chỉ đang được tiến hành ở giai đoạn đầu nên còn quá sớm để biết liệu Mu có khả năng lây truyền cao hơn hay gây bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác hay không.

Một phần lo ngại về Mu đến từ những đột biến đặc biệt mà biến thể này mang theo. Đột biến P681H – được tìm thấy trong biến thể Alpha có liên quan đến khả năng lây truyền nhanh. Một số đột biến khác, trong đó có E484K và K417N, có thể giúp virus né tránh miễn dịch và điều này có thể sẽ là điểm đáng ngại của biến thể Mu so với biến thể Delta.

Dữ liệu sơ bộ của WHO cũng cho rằng Mu được cho sở hữu một nhóm đột biến có thể làm cho nó ít nhạy cảm hơn với mức miễn dịch mà nhiều người đã có được (thông qua tiêm vaccine hay đã nhiễm trước đó). Cả WHO và Cơ quan Y tế công cộng Anh đều cho rằng Mu có thể né tránh hệ thống phòng thủ miễn dịch theo cách tương tự biến thể Beta (xuất phát từ Nam Phi).

Nhà bệnh dịch học Maria van Kerkhove tại WHO cảnh báo cần phải quan sát nghiêm ngặt biến thể Mu, vì “việc giám sát và đánh giá các biến thể phải được thực hiện liên tục và cực kỳ quan trọng để hiểu được sự tiến hóa của loại virus này, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết”.

Các chuyên gia lo ngại Mu hoàn toàn có khả năng sẽ gây nên một đợt bùng phát ca nhiễm toàn cầu nữa. Hơn nữa, WHO từng cảnh báo virus đột biến có thể sẽ rất nghiêm trọng với những ai chưa được tiêm vaccine và đặc biệt lo ngại cho người sống ở các khu vực mà các biện pháp kiềm chế lây lan không được siết chặt. WHO cho biết đang theo dõi chặt sự chuyển biến từ yếu tố dịch tễ học của biến thể Mu cũng như hậu quả từ sự lưu hành song song của nó cùng với biến thể Delta.

*Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn

Tham khảo thêm tại Fanpage: https://www.facebook.com/toptayninh
Hộp thư góp ý: info@toptayninh.com hoặc tại đây!
Hotline: 0886. 6789.70