Chắc hẳn nhiều bạn đều nhớ hoặc từng nghe qua câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Vâng, đây chính là một trong những ngày lễ quan trọng của nước ta để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng có công dựng nước và giữ nước. Vậy nên, nhân dịp này Top Tây Ninh xin được tổng hợp những điều thú vị ngày Giỗ tổ Hùng Vương để bạn biết thêm nhé!
Tại sao chọn ngày 10/3 làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương?
Để ghi nhớ công ơn to lớn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11, 12/3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10/3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Qua đó có thể thấy đã từ lâu, ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương chính thức trở thành một ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Ngày lễ ấy đã thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và là niềm tự hào của những con người đất Việt ngay từ các triều đại xa xưa.
Lịch sử của 18 đời Vua Hùng
Về họ Hồng Bàng của lịch sử nước ta (hay còn gọi là thời đại Hồng Bàng – giai đoạn lịch sử thuộc thời đại thượng cổ của lịch sử Việt Nam), theo “Đại Việt sử kí toàn thư” có ghi chép lại rằng: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ và sau đó lấy vợ là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Sau đó Lạc Long Quân lấy được Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng và đẻ ra trăm người con.
Trăm người con trai tỏa đi các nơi và trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm 15 bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương – tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. Thế thứ các triều vua của 18 vị vua Hùng lần lượt là:
Kinh Dương Vương, Húy là Lộc Tục.
Hùng Hiền vương, còn được gọi là Lạc Long Quân. Huý là Sùng Lãm.
Hùng Lân vương.
Hùng Diệp vương.
Hùng Hi vương.
Hùng Huy vương.
Hùng Chiêu vương.
Hùng Vĩ vương.
Hùng Định vương.
Hùng Hi vương.
Hùng Trinh vương.
Hùng Vũ vương.
Hùng Việt vương.
Hùng Anh vương.
Hùng Triều vương.
Hùng Tạo vương.
Hùng Nghị vương.
Hùng Duệ vương.
Vậy mùng 10/3 là thờ vị vua nào? Thủy tổ của Việt Nam có phải là vua Hùng thứ 1?
Vào ngày Giỗ tổ, người người nô nức hướng về Đền Hùng thắp hương để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc. Nhưng cụ thể là giỗ ai, chưa chắc đã có người biết. Nếu xét lại lịch sử của Triều đại Vua Hùng như mình đã đề cập ở trên thì có thể thấy người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức vua Hùng đầu tiên chính là cháu nội của đức vua Kinh Dương . Vì thế nếu xét thủy tổ của dân tộc ta thì đó chính là ông. Điều này được thể hiện rõ qua các câu thơ:
Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua, mười tám chương.
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó,
Đời đời đèn nến nức thơm hương.
Ngoài ra ở Bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) có ghi chép khá rõ về các đời vua với những thông tin liên quan, theo đó 18 ngành vua Hùng có tất cả 180 đời vua nối nhau trị vì.
Tóm lại nếu xét theo logic thì thủy tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương – tức vị tổ phụ đã khai sinh ra đất nước. Tuy nhiên, hàng năm nhân dân ta luôn để một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng lên đất nước, ngày đó được gọi là ngày giỗ tổ (ngày giỗ các Vua Hùng nói chung).
Nghi thức trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương
Dâng lễ trong lễ hội Đền Hùng
Mỗi người dân Việt Nam đều biết đến câu chuyện: Sự tích Bánh chưng, bánh dày và đó chính là hai loại bánh biểu tượng trong ngày Giỗ Tổ. Mọi người đi đến lễ hội có thể dâng lễ là hai loại bánh này hoặc hoa, xôi, gà. Tuy nhiên, lễ vật dâng tổ tiên không cần phải “mâm cao cỗ đầy” mà chính từ tấm lòng thành kính của mình. Người đi Đền Hùng có thể chỉ cần thắp một nén hương để tỏ lòng biết ơn đối với công lao của các vị Vua và cầu chúc điều tốt lành.
Nghi thức tế lễ giỗ tổ Hùng Vương
Bộ Văn hóa hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 đã ghi rõ Lễ phẩm gồm:
Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả. Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.
Bên cạnh hướng dẫn đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau, đều có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).
Hy vọng những điều thú vị ngày Giỗ tổ Hùng Vương phía trên sẽ giúp bạn có thể hiểu thêm về cội nguồn dân tộc cũng như là về ngày lễ này nhé!
Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn
Tham khảo thêm tại Fanpage: https://www.facebook.com/toptayninh
Hộp thư góp ý: info@toptayninh.com hoặc tại đây!
Hotline: 0886. 6789.70