Đã 1 ngày trôi qua kể từ khi câu chuyện “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu” gây xôn xao trên khắp các trang mạng xã hội. Câu chuyện đã dần đến hồi kết với việc vào cuộc của cơ quan chức năng.

Hình ảnh trong đoạn clip “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu” gây xôn xao
Trước đó, vào ngày 19/07, trên các trang mạng xã hội đồng loạt đăng tải đoạn video gây bức xúc cho nhiều người với nội dung về việc một Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã cho lực lượng chức năng giữ xe, giữ giấy tờ và quát tháo một công nhân đi mua bánh mì. Trong clip vị phó chủ tịch này bảo rằng bánh mì không phải là “lương thực, thực phẩm thiết yếu” nên việc anh công nhân đi mua là vi phạm quy định chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng và cái kết cho vị cán bộ.
Sau khi nhận được sự chú ý và bùng nổ tranh cãi trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP Nha Trang yêu cầu phường Vĩnh Hòa chấn chỉnh lại hành vi của ông Trần Lê Hữu Thọ – Phó Chủ tịch UBND phường, người đã quay video lại để làm bằng chứng và là tâm điểm chỉ trích của sự kiện này. Đồng thời chỉ đạo chủ tịch các phường trong thành phố kiểm tra, nhắc nhở hành vi ứng xử và hướng dẫn người dân chấp hành tốt Chỉ thị 16.
Xem xét kỷ luật phó chủ tịch phường nói ‘bánh mì không phải lương thực’
Tối 19-7, lãnh đạo TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết đã cho thôi nhiệm vụ trưởng ban phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Hòa và đang xem xét kỷ luật phó chủ tịch phường nói “bánh mì không phải là lương thực”.
Lý do xem xét kỷ luật là vì có thái độ không đúng mực với người dân khi đang thi hành công vụ.
Hiện phường Vĩnh Hòa đã phân công bà Nguyễn Thị Hà, chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, làm nhiệm vụ trưởng ban phòng chống dịch COVID-19 thay ông Trần Lê Hữu Thọ.
Theo ông Đông, trước đây ông Thọ là cán bộ Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang và mới được luân chuyển về làm phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa được khoảng 1 năm.
“Hiện nay, phường Vĩnh Hòa đang chờ ý kiến cấp trên về việc xử lý ông Thọ vì đã có lời nói, ứng xử không chuẩn mực với người dân trong khi thi hành công vụ”, ông Đông nói.
Cái kết có hậu cho anh công nhân
Anh Em chia sẻ, ban đầu anh được gọi về trụ sở làm việc, nộp phạt 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi có chỉ đạo từ phía chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xuống thì hình phạt đã được giảm nhẹ. Anh được gọi lên phường lần 2 để nhận lại số tiền trên và ký cam kết tuân thủ quy định phòng dịch.
Được biết, anh Trần Văn Em là thợ hàn của Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng An Đại Thành (nhà thầu phụ tham gia xây dựng dự án Vega City) với mức lương 200.000 đồng/ngày. Sau khi đoạn clip đăng lên và gây xôn xao ngày 19/7, anh Em đến công trường làm việc nhưng chủ thầu đề nghị anh nghỉ làm 1 tháng, chờ điện thoại thông báo sau. Biết được sự việc trên, ông Nguyễn Hải Ninh đã giúp đỡ bằng cách gọi điện cho lãnh đạo chủ dự án là Công ty Cổ phần Vega City, nhờ họ xem xét tiếp nhận anh Em vào làm việc.

Anh Trần Văn Em – anh công nhân trong đoạn clip
“Sau khi nắm được vụ việc, tôi điện cho lãnh đạo Công ty Vega City ngoài Hà Nội, họ hiểu ra câu chuyện và đồng ý tiếp nhận ngay anh Em vào làm việc”, Bí thư tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Sáng ngày 20/7, ông Nguyễn Xuân Lân, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vega City cho biết, tối 19.7, đại diện chủ đầu tư dự án đã liên hệ trực tiếp với anh Em và thông báo sẽ bố trí việc làm phù hợp tại dự án vào sáng 20.7. Hiện anh Trần Văn Em đã có mặt tại dự án và đang được chủ đầu tư cho test nhanh công việc phù hợp với năng lực để sớm ổn định cuộc sống.
Qua câu chuyện “bánh mì không phải lương thực” này, có lẽ nhiều người đã nhận được bài học đáng giá đặc biệt là vị cán bộ trong clip.
Tham khảo thêm tại Fanpage: https://www.facebook.com/toptayninh
Hộp thư góp ý: info@toptayninh.com hoặc tại đây!
Hotline: 0886. 6789.70