Núi Cậu – chốn linh thiêng có phong cảnh hữu tình

Những năm gần đây, du lịch tâm linh nổi lên như một hiện tượng khi số lượng du khách ngày một tăng nhanh không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Nếu ở miền Nam có Núi Bà Đen hay Núi Cấm – Châu Đốc được rất nhiều người hành hương vào các dịp lễ lớn thì Núi Cậu cũng là một địa chỉ du lịch tâm linh tuyệt vời mà Top Tây Ninh muốn bạn tham khảo cho chuyến đi tiếp theo đấy.

Đôi nét về Núi Cậu

núi Cậu 01

Núi Cậu là một ngọn núi nhỏ nằm ở ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Dù hiện nay cụm núi Cậu nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương nhưng nhiều người vẫn quen gọi là “Cậu Bảy Tây Ninh”. Có lẽ lý do xuất phát từ việc ngày xưa núi Cậu thuộc địa phận Tây Ninh, sau này được chia tách địa giới hành chính lại thì núi Cậu thuộc về tỉnh Bình Dương. Nhưng do thói quen lâu ngày nên nhiều người vẫn cứ gọi theo tên cũ, có cả người còn nhầm lẫn địa danh này vẫn còn thuộc Tây Ninh.

Theo những thông tin từ website du lịch Bình Dương thì quần thể núi Cậu có tổng diện tích hơn 1.600 ha, bao gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ có hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông với chiều cao 295 m, kế đến là núi Ông cao 285 m, núi Tha La cao 198 m và núi thấp nhất là núi Chúa cao 63 m. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc – Đông Bắc và Nam – Tây Nam.

Các giai thoại ly kỳ về sự tích núi Cậu

Giai thoại đầu tiên cũng là giai thoại phổ biến, được nhiều người biết đến nhất:

Theo rất nhiều truyền thuyết kể lại thì sự tích núi Bà và núi Cậu có liên quan mật thiết với nhau. Tương truyền rằng ngày xưa núi Bà Đen có tên gọi là núi Một. Vào thế kỷ XVIII, có 4 gia đình thâm giao ở Bình Định theo chiếu khẩn hoang của chúa Nguyễn cùng nhau theo đoàn di dân xuôi Nam, khai hoang mở cõi gồm: gia đình ông Lý Thiên; gia đình ông Đặng Nhượn; Gia đình ông Ba Sánh và gia đình ông Chín Thép. Bốn gia đình vào định cư vùng đất Quang Hóa, nay là huyện Trảng Bàng (Tây Ninh).

Quan trấn nhậm đương thời là Hà Đảnh thấy bà Đặng Ngọc Phụng (vợ ông Lý Thiên) trẻ đẹp đã sát hại Lý Thiên rồi bắt bà làm hầu thiếp dù bà đang mang thai. Bà sau đó cố sống ẩn nhẫn, chờ sanh con và tìm cách báo thù cho chồng. Sau này bà sanh được một cô con gái xinh đẹp, đặt tên là Lý Thị Thiên Hương.

Khi trưởng thành, Lý Thị Thiên Hương rất xinh đẹp được nhiều chàng trai để ý muốn chạm ngõ cầu hôn nhưng nàng không màng vì mải nuôi lòng báo oán cho cha. Một ngày nọ, nàng đi đảnh lễ cầu Phật trên núi Một, bất ngờ bị một toán cướp chặn đường. Giữa lúc nguy khốn, nàng được một tráng sĩ tên Lê Sĩ Triệt cứu thoát. Hai người trở thành tình nhân từ cuộc hội ngộ đó.

Lê Sĩ Triệt là con nuôi của nhà sư Trí Tân trụ trì một ngôi chùa trên lưng chừng núi Một. Sư Trí Tân vốn là võ quan của nhà Nguyễn ẩn tu. Trong một chuyến xuống núi hóa trai, trên đường trở về, sư Trí Tân trông thấy ven một tảng đá một bé trai sơ sinh còn sống nằm khóc giữa 2 tử thi vợ chồng. Nhà sư đem đứa bé lên núi đặt tên là Lê Sĩ Triệt, nuôi dưỡng và truyền kiếm thuật.

Lê Sĩ Triệt được sư Trí Tân cho phép cưới Lý Thị Thiên Hương làm vợ. Sau khi cưới, Thiên Hương kể rõ mối thâm thù giữa mình với cha ghẻ Hà Đảnh. Nghe vợ kể rõ nguồn cơn, Lê Sĩ Triệt giết ngay Hà Đảnh.

Vào thời điểm đó, nhà Tây Sơn vừa dấy binh, Gia Long tuyển mộ thêm binh sĩ. Lê Sĩ Triệt tòng quân đế trốn án sát nhân. Sau khi Lê Sĩ Triệt ra đi, Lý Thị Thiên Hương bỗng dưng mất tích.

Một hôm sư Trí Tân đang thiền định bỗng nghe tiếng gọi của Thiên Hương nơi triền núi. Ông bước ra thì thấy Lý Thị Thiên Hương vừa khóc vừa cho biết, thuộc hạ của Hà Đảnh đã giết cô ném xác nơi triền núi.

Sư Trí Tân theo lời chỉ của linh hồn Thiên Hương đi tìm thì thấy thi thể cô đã sạm đen. Sư Trí Tân đem thi thể cô về gần chùa an táng.

Lúc này Gia Long đang thất thế trước sức mạnh của Tây Sơn nên bôn đào về phía Nam. Lê Sĩ Triệt lập nhiều công trạng đã trở thành võ quan cận thần của Vua Gia Long. Lê Sĩ Triệt đưa Vua Gia Long chạy vào vùng núi Một trốn tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn. Khi quan quân đang đói lả dưới một tán cây cổ thụ, Gia Long mệt mỏi ngủ thiếp, mơ màng thấy một người con gái đen đúa xuất hiện bảo những quả chín trên cây có thể cứu đói, khát cho binh sĩ. Vua tỉnh giấc cho người ăn thử. Quả nhiên vị chua của quả giúp binh sĩ đỡ khát và vị chát giúp đỡ đói.

Vua Gia Long đặt tên cây ấy là “tòng quân” (sau này nói trại thành chùm quân hoặc bồ quân). Vua Gia Long còn ban sắc chỉ phong cho Lý Thị Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu. Từ đó, người ta gọi núi Một là núi Bà Đen cho đến ngày nay.

Vua Gia Long tiếp tục bôn đào xuôi Nam. Trước khi rời đi, Gia Long giao cho Lê Sĩ Triệt nhiệm vụ nhang khói cho Thiên Hương đồng thời chiêu binh chờ vua phục quốc. Khi Vua Gia Long vừa rời khỏi, quân Tây Sơn tràn lên núi. Lê Sĩ Triệt lánh sang núi Yên Ngựa tìm đến ngọn núi cao nhất ẩn thân tu luyện phép thuật âm thầm tuyển mộ binh lính rèn luyện đao kiếm. Để che giấu tông tích, Lê Sĩ Triệt chỉ xưng là cậu Bảy.

Từ những tin đồn huyền bí, có rất nhiều dòng giai thoại xuất hiện trong dân gian xoay quanh sự tích trên. Trong đó có chuyện, Bà (Lý Thị Thiên Hương) và Cậu (Lê Sĩ Triệt) thường xuyên đấu phép cùng nhau. Cậu hóa phép cho núi Bà ngày càng cao lên. Bà dùng phép biến hóa thành hàng ngàn con gà sang núi Cậu bới chỗ ở của Cậu. Hai người bay qua lại giữa núi Bà, núi Cậu để đấu phép thuật. Từ những trận tỉ thí thư hùng của hai người đã tạo nên những dấu tích kỳ bí vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay. Đó là vùng núi Cậu, có rất nhiều tảng đá có lằn ngang dọc như gà bới. Rải rác trên các tảng đá núi Bà lẫn núi Cậu vẫn còn những dấu chân khổng lồ của 2 người.

Người ta đã phát hiện bên núi Bà có 2 dấu châu khổng lồ, 1 dấu nằm trên tảng đá gần điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, 1 nằm trên tảng đá phía mạn bắc núi.

Ở cụm núi Cậu có ít nhất 7 dấu chân “tiên” nằm rải rác. 2 dấu nằm ở phía suối Trúc (còn gọi là hồ Than Thở Dầu Tiếng), 2 dấu nằm gần miếu Cậu và 3 dấu nằm rải rác dưới mạn sườn núi Ông Cậu. Người dân địa phương khẳng định, vẫn còn nhiều dấu chân “tiên” chưa được phát hiện. Cho đến nay, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về những dấu chân bí ẩn này nên nó vẫn luôn là bí ẩn làm nhiều người tranh cãi.

Giai thoại thứ hai:

Vào thời Pháp chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh, cậu Bảy chính là Cử Đa – một võ quan triều Nguyễn tham gia lập mật khu kháng chiến Láng Linh – Bảy Thưa cùng Trần Văn Thành. Sau khi căn cứ kháng chiến Láng linh – Bảy Thưa thất thủ, Trần Văn Thành tử nạn, Cử Đa di chuyển khắp vùng rừng núi phía Nam dùng tâm linh tiếp tục tuyển mộ nghĩa quân. Cử Đa đã để lại dấu tích khắp vùng núi Tà Lơn, Thất Sơn, núi Bà Đen và núi Cậu.

Rõ ràng những câu chuyện tâm linh luôn có một sức hút lớn trong nhân gian nên núi Cậu vẫn luôn thu hút khách du lịch mỗi khi hành hương lẫn khám phá.

Dù chẳng ai trả lời được cho câu hỏi cậu Bảy là ai, xuất thân như thế nào thì hiện nay, cậu Bảy vẫn được coi là một vị thánh nhân trong tâm thức của người dân trong vùng. Vào ngày mùng 7 tháng 5 âm lịch, tức ngày giỗ cậu Bảy, hàng trăm các đạo sỹ của các giáo phái từ trong và ngoài nước cùng hàng ngàn người dân từ mọi miền lại đổ về cúng lễ cậu Bảy để ước nguyện, chứng quả đắc đạo, thăng cấp,..

Đắm say trước vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc ở núi Cậu

núi Cậu 05

Vì nằm gần hồ Dầu Tiếng nên núi Cậu có khu rừng xanh quanh năm và suối Trúc thơ mộng. Đây là một trong những cụm di tích danh thắng đẹp nhất tỉnh Bình Dương nói riêng và nước ta nói chung khi được kết hợp bởi 4 yếu tố mà thiên nhiên ưu ái nhất là sông – nước – núi – đồi tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, với địa thế tiền thủy hậu sơn mà nhiều bậc hiền tài hay ca ngợi trong thơ văn.

Nhờ nằm ở vị trí thuận lợi, có tiền thủy, hậu sơn nên núi Cậu luôn mang đến một vẻ đẹp hiền hòa, êm ả khó tả cho mỗi du khách. Nhiều người còn ví von nó như một bức tranh hùng vĩ nơi núi rừng mà thiên nhiên ban tặng, có ý kiến lại cho rằng nó giống như một vị thần đầy uy phong đã che chở đem đến sự bình an, hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt là người dân Bình Dương, Tây Ninh.

Nếu nhìn từ hướng Nam – Tây Nam thì bên dưới chân núi, có một thác nước chảy ngang qua các tảng đá và đổ xuống một trũng nước có độ sâu khoảng 3m, đường kính khoảng mười mét. Trũng nước này chính là Hồ Than Thở – địa chỉ mà có lẽ không ít bạn đọc đến đây đã biết hay nghe quen quen phải không?

Nhờ vị trí đặc biệt nên thảo mộc thiên nhiên tại đây vô cùng trù phú. Hơn thế nữa ở đây còn có nhiều loại gỗ quý như: gỗ, căm xe, giáng hương, bằng lăng,… Và cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật hoang dã và quý hiếm như: Nai, mễn, heo rừng,…

Quần thể chùa Thái Sơn – linh thiêng bậc nhất tại núi Cậu

núi Cậu 04

Khi tới thăm quan núi Cậu, du khách sẽ bắt gặp chùa Thái Sơn ở lưng chừng núi với độ cao khoảng 50 m. Ngôi chùa này được xây từ năm 1988 bởi hòa thượng Thích Đạt Phẩm hay còn có tên thân thuộc là Thầy Sáu. Với lối kiến trúc đậm nét phương Đông, quần thể chùa Thái Sơn sẽ đem đến cảm giác yên bình, trong lành nhưng cũng không kém phần uy nghiêm, linh thiêng khi du khách đặt chân đến.

Quần thể khuôn viên của ngôi chùa lên tới trên 5ha với nhiều công trình như cổng tam quan, ngôi Cửu Trùng Đại Tháp, tượng Nam hải Quán Thế Âm Bồ Tát, chánh điện,…Ngôi Cứu Trùng Đại Tháp ở đây cao tới 36m và có 9 tầng.

Tượng Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát cao 12 m. Chánh điện điện  ngọc – nơi mà các du khách, tăng ni phật tử hàng năm về cúng bái tại đây thì được xây theo phong cách cổ lầu phương Đông.

Vậy nên đừng, bỏ lỡ quần thể chùa Thái Sơn khi có dịp thăm quan núi Cậu nhé!

Trekking chinh phục đỉnh núi Cậu cũng là điều mà du khách nên khám phá khi đến địa điểm này nếu không muốn tiếc nuối sau này đấy!

>> Xem thêm: Hành trình khám phá chùa Thái Sơn của Top Tây Ninh:

Các bài viết tại TOP Tây Ninh chỉ mang tính chất tham khảo không so sánh về chuyên môn tay nghề hay mức độ nổi tiếng. Do đó các bạn khi đọc hãy xem đây là một bài viết do 1 khách hàng trải nghiệm và chia sẽ, TOP Tây Ninh luôn đứng  ở khía cạnh khách hàng để có những trải nghiệm trung thực và khách quan nhất.

Tham khảo thêm tại Fanpage: https://www.facebook.com/toptayninh
Hộp thư góp ý: info@toptayninh.com hoặc tại đây!
Hotline: 0886. 6789.70